Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Nhân Quyền - Huyện Bình Giang

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Nhân Quyền


QUÊ HƯƠNG NHÂN QUYỀN – DANH NHÂN, DANH LAM THẮNG CẢNH

                                                                                                               

        Nhân Quyền nằm ở phía đông nam của huyện Bình Giang, trước cách mạng tháng 8/1945, chưa có tên gọi Nhân Quyền như ngày nay, tại thời điểm đó mỗi thôn được gọi là một xã, như: xã Đan Loan, Hòa Loan, Bùi Xá và Dương Xá. Cả 4 xã được hợp thành một tổng mang tên gọi Tổng Hòa Loan - huyện Bình Giang - tỉnh Hải Dương.

        Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, không lâu sau vào tháng 3/1946 tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định việc thành lập và cơ cấu lại các đơn vị hành chính cấp xã. Căn cứ vào tình hình và các đặc điểm về dân số, diện tích, ruộng đất, huyện Bình Giang đã có chủ trương cho sát nhập 4 xã thuộc Tổng Hòa Loan thành một xã, lúc đầu lấy tên là xã Ái Quốc. Nhưng chỉ hơn một năm sau, vào tháng 8/1946 được sự nhất trí của cấp trên, xã Ái Quốc chính thức được đổi tên thành xã Nhân Quyền, cái tên đầy ý nghĩa nhân văn đó được giữ gìn và gắn liền với tâm thức của mỗi người dân cho đến ngày nay.

         Ngược dòng lịch sử dưới chế độ thực dân phong kiến, Nhân Quyền cũng như bao địa phương khác trong cả nước, phải chịu cảnh đắm chìm trong ách đô hộ của bọn Thực dân phong kiến. Chúng thực hiện nhiều chính sách hết sức tàn nhẫn như: Không khuyến khích học hành để làm ngu dân, khuyến khích cho các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu phát triển vv. Điển hình nhất là thực hiện việc cho phá lúa trồng đay, đó cũng chính là nguyên nhân gây ra nạn đói lịch sử năm 1945,  nhân dân Nhân Quyền phải chịu bao cảnh lầm than. Tình hình càng tồi tệ hơn vào đầu năm 1950, Thực dân Pháp về đây xây bốt, lập tề, phá hết các công trình lịch sử văn hóa, san phẳng nhà cửa, ruộng vườn, cảnh làng quê tiêu điều xơ xác tạo ra một vùng trống nhằm phục vụ cho ý đồ cai trị lâu dài của chúng.  Nhưng những điều đó không đủ để khuất phục được ý trí và nghị lực của người dân Nhân Quyền. Chúng ta vẫn kiên cường đứng vững, từng bước đấu tranh phá thế bao vây kìm kẹp và sự o bế của địch, quyết tâm bám trụ giữ đất, giữ làng. Trong suốt chặng đường và tiến trình lịch sử của đất nước đã đủ để chứng minh, người dân Nhân Quyền chẳng những kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai địch họa, mà Nhân Quyền từ ngàn xưa còn luôn được biết đến là quê hương giầu truyền thống văn hóa và hiếu học, mảnh đất đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài. Trong xã Nhân Quyền thì Đan Loan là vùng đất giầu truyền thống và nổi trội nhất. Là một địa danh giầu có về kinh tế từ thời phong kiến qua câu ngạn ngữ xưa: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, Chữ làng Trằm". Làng Đa loan với nghề nhuộm truyền thống, làm ăn phát triển giầu có nức tiếng cả một vùng kinh bắc. Đan Loan còn được biết đến là nơi có nhiều người đỗ đạt từ trước tới nay. Theo cuốn “Lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân xã Nhân Quyền" xuất bản năm 2010, hay cuốn “Tiến Sỹ thời nho học tỉnh Hải Dương" xuất bản năm 1999 và cuốn “Đường An Đan Loan Phạm Gia Thế Phả" của Cụ Phạm Đình Hổ viết vào năm 1820, “Được Bà Trần Kim Anh hiện đang công tác tại viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội dịch sang Việt Văn năm 2007". Chỉ tính từ năm 1388 đến 1772, theo thống kê chưa đầy đủ Nhân Quyền đã có 7 tiến sỹ “Trong số 07 Tiến sỹ nho học thời ấy lại có một điểm chung đặc biệt đó là đều được xuất thân tại làng Đan Loan, tổng Minh Loan, Phủ Đường An, tỉnh Hải Dương" nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải dương.

          Theo sử sách các triều đại phong kiến nước nhà, Văn miếu Hà nội được xây dựng vào tháng 8 năm Canh Tuất (1070).  Năm 1075 tiếp tục cho xây nhà Quốc Tử Giám, đây thực chất là nơi tu học của các Hoàng Tử con Vua. Cho mãi đến năm Nhâm Tuất (1442), Chiều đình phong kiến mới có chủ trương, mỗi khoa thi Hội sẽ dựng một văn bia để ghi tên các Tiến Sỹ đã trúng tuyển khoa thi ấy. Do vậy từ khoa Nhâm Tuất (1442) đến khoa Kỷ Hợi (1779), trong các triều đại Phong kiến, nước nhà đã diễn ra 124 khoa thi, nhưng trên thực tế cũng mới chỉ dựng được 117 văn bia, và hiện tại ở Văn Miếu hiện nay cũng chỉ còn bảo tồn được 82 văn bia ghi tên 1036 Tiến Sỹ. Trong số 82 văn bia ấy, thì chỉ có 27 bia ghi tên 47 Tiến Sỹ“ trong tổng số 103 Tiến Sỹ thời nho học của huyện Bình Giang, như vậy còn lại 56 Tiến Sỹ người Bình Giang trong giai đoạn này hiện chưa có tên ghi danh tại đây". Đầu năm 1802, Triều đình Vua Nguyễn Gia Long đã chính thức quyết định chuyển Văn Miếu Quốc Tử Giám vào Kinh thành Huế, Văn Miếu Hà Nội từ đây được gọi là nhà Khải Thánh. Như vậy đồng nghĩa với việc, từ sau năm 1802 cho đến trước Cách Mạng tháng 8 năm 1945 (khoảng 143 năm không còn tồn tại việc ghi danh các Tiến sỹ đỗ đạt trong các khóa thi ở nơi đây nữa). Có thể trong số này còn rất nhiều Tiến Sỹ đã đỗ đạt, người Bình Giang nói chung và người Nhân Quyền nói riêng vẫn chưa được ghi danh tại đây. Nói như vậy để chúng ta biết rằng con số 7 tiến sỹ nho học người Nhân Quyền có lẽ là chưa thật dầy đủ.

        Để có thể phần nào giúp các quý vị hiểu thêm và tường tận về 7 tiến Sỹ người làng Đan Loan thời Nho học, tôi xin được chép lại một vài thông tin khái quát như sau:

- Cuối thời nhà Trần (khoảng 1388 - 1400) có Tiến sỹ Lý Từ Cầu (Mã số 77) - đến nay không khảo được năm thi đỗ và tuổi của ông.

- Sau khoảng gần 200 năm sau đó có thêm người thứ hai là Tiến sỹ Bùi Thế Vinh 26 tuổi, thi đỗ vào năm Mạc Mậu Hợp 5 (1580). “Nói về Tiến sỹ Bùi Thế Vinh không có trong danh tính tại cuốn Tiến sỹ Nho học tỉnh Hải Dương nên đến nay cũng không khảo được mã số).

- Sau 105 năm tiếp theo có Tiến sỹ Vũ Thạnh 22 tuổi thi đỗ vào năm Chính Hòa 6 (1685) thời Lê - Trịnh (Mã số 423).

- Và Sau 27 năm nữa có thêm Tiến sỹ Vũ Huy 27 tuổi, thi đỗ vào năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712)  thời Lê - Trịnh (Mã số 438).

- Cũng cùng năm đó (1712) có Tiến sỹ Vũ Huyền 43 tuổi, thi đỗ năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) thời Lê - Trịnh (Mã số 439).

- Sau 18 năm tiếp theo có Tiến sỹ Vũ Trần Tư 24 tuổi, thi đỗ năm Vĩnh Hựu 5 (1730)  thời Lê - Trịnh  (Mã số 456).

- Và cuối cùng Sau 42 năm tiếp theo Nhân Quyền có thêm Tiến sỹ Đào Vũ Hương, thi đỗ năm Cảnh Hưng 33 (1772) thời Lê - Trịnh (Mã số 464) cũng  không khảo được tuổi.

Trong sử sách còn lưu lại thì bẩy Tiến Sỹ Nho học người Nhân Quyền kể trên ít thấy có những kỷ vật và dấu ấn để lại cho quê hương, riêng chỉ có thế phả của Tiến Sỹ Bùi Thế Vinh, Được Cụ Phạm Đình Hổ chép trong cuốn “ Đường an Đan Loan Phạm Gia Thế Phả", viết vào năm 1820 bằng chữ Hán, tại trang 39 - 40 đã có đoạn viết:“ Theo gia phả họ Bùi bên ngoại thì Bùi Công Húy, tức là Thế Vinh, tự là Hoằng Nghị, thụy là Định Trai Tiên Sinh", nguyên quán ở Đan Loan". Ông làm nhà ở phường Yên Hòa, huyện Quảng Đức. Khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành thứ 3, đời Vua Mạc Mậu Hợp “đời Vua thứ 5 nhà Mạc 1580". Ông đã đỗ Đệ Tam Danh Đồng Tiến Sỹ, xuất thân làm quan đến chức Hồng Lô Tự Khanh, có vợ cả người làng ta (Đan Loan),  không khảo được họ tên, hai ông - bà đã sinh được một người con gái khi lớn lên đem gả cho trai  người họ Vũ người cùng làng. Lúc ông thi đỗ Tiến sỹ lại lấy thêm bà thứ hai người xã Đại An, huyện Đan Phượng, họ Nguyễn, hiệu là “Từ Phúc Độ Công". Cuối đời nhà Mạc, Bùi Công xin trí sỹ về quê cư ngụ. Thời nhà Lê Trung Hưng, ông cùng Thượng Thư Đỗ Công Uông người xã Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc và Thượng Thư Vũ Công người xã Nhữ Xá, huyện Đường An được mời ra làm quan. Lúc này Bùi Công đã dùng dao chém vào đầu gối rồi lấy lý do thác bệnh không ra.

Huyện Quảng Đức vào khoảng niên hiệu Gia Long đời thứ 3 thành Vĩnh Thuận, xã Đoàn Tùng vì kiêng húy Trịnh Thành Tổ Triết Vương do vậy đã được đổi thành Đoàn Lâm. Bùi Công (tức Bùi Thế Vinh) sau khi mất được an táng tại cánh Đồng cạn làng ta, tục gọi là lăng Hầu Khanh, hai họ Vũ và Họ Phạm trong làng đều là cháu bên ngoại, nối dòng trông coi. Về sau do nhiều lần binh biến lên lăng mộ không thể khảo được. Người trong làng tên là Vũ Quân làm Huấn Đạo Phủ An Bình đã cho mở trường học trên khu đất này, tục gọi là trường Ông Giáo. Vào năm Cảnh Hưng đời Vua Hiển Tông - Chiều Lê, có thân hào trong làng là Thượng Thư Vũ Trần Tự, lại đến khu đất này lấp ao, đắp lũy rồi xây dựng sinh phần, tục gọi là Tục Quan Tả Lại, chu vi chừng một mẫu ruộng. Bên trong có một gò lớn gọi là Đại Thổ Tinh, hai gò nhỏ hai bên gọi là Tiểu Thổ Tinh. Vũ Công và phu nhân được an táng ở hai gò Tiểu Thổ Tinh, đồng thời cho xây Từ Đường ở gò Đại Thổ Tinh, tục gọi là Từ Chi Quan Thượng Chánh Sứ. Sau này Mộ phần đã được chuyển đi nơi khác, đất được san phẳng thành ruộng, dấu vết hiện nay không thể khảo cứu được (Tiến Sỹ Bùi Thế Vinh do không có con trai nối dòng, nên đã mất mộ và mất cả ngày giỗ là như vậy).

       Như vậy Thế Phả của Tiến Sỹ Bùi Thế Vinh được biên chép lưu lại như trên đã phần nào cho hậu thế chúng ta một thông tin tư liệu về thân thế sự nghiệp, quê quán, kể cả khi thác bệnh và qua đời, nơi để lăng mộ và cả lý do làm mất mộ… của Tiến Sỹ Bùi Thế Vinh, người đỗ Khoa bảng nho học thứ hai của làng Đan Loan, hiện còn để lại lưu bút trong sách cổ.

 

Vài nét giới thiệu khái quát về cuộc đời, thân thế của Cụ

Phạm Đình Hổ

 

        Tiếp bước theo gương sáng của các bậc tiền nhân trong làng, vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Đan Loan còn được biết đến một nhân vật đặc biệt nổi tiếng và xuất trúng trong thiên hạ đó là cụ Phạm Đình Hổ, tuy chưa đỗ tiến sỹ nhưng với tài năng xuất chúng cụ đã được Vua Minh Mạng thăng cho làm tới chức quan “Tế Tửu Quốc Từ Giám" Huế,

        Cụ Phạm Đình Hổ sinh tồn (1768 - 1839) hưởng thọ 71 tuổi. Tên húy là “Phạm Đình Hổ"; Tên tự là “Tùng Niên"; Bút danh là “Bình Trực" và “Đông Dã Tiều"; Biệt hiệu “Triêu Hổ Tinh Sinh". Cụ mồ côi cha từ khi mới lên 10 tuổi, về quê Đan Loan ở cùng mẹ cho đến năm 16 tuổi cụ mới ra học ở Thăng Long Hà Nội. Cụ theo học Cụ Hồ Phi Diễn - là thân phụ của Hồ Xuân Hương… Sau một thời gian mẹ và anh trai cụ mất, dẫn đến cuộc đời cụ vô cùng vất vả long đong trong tu nghiệp và mưu sinh.

        Quê hương của Cụ Phạm Đình Hổ thuộc làng Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Với những tài năng và những cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, Cụ đã được nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu Danh Nhân Văn Hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 18. Tại quê hương Cụ ở Đan Loan, hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật và di tích lịch sử như: Lầu bình thơ của Danh Nhân Văn Hóa Phạm Đình Hổ, cách đó không xa khoảng 500 m là kiến trúc Lăng mộ của Cụ.

        Nói về cưộc sống mưu sinh và con đường khoa cử không phẳng lặng của Cụ Phạm Đình Hổ cho thấy Cụ không gặp thuận lợi ở chỗ khi chưa kịp thi cử thành đạt thì Triều Đại nhà Lê tan giã, nhà Tây Sơn lên nắm quyền, Cụ phải vừa đi học vừa dậy học để mưu sinh. Cụ cũng đã tham gia thi cử nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn nhưng đường công danh vô cùng lận đận, nên Cụ chỉ đỗ đến sinh đồ mà thôi (Tức Tú Tài).  Rồi Cụ tiếp tục dậy học và viết sách mưu sinh tại Hà Nội

         Đến năm 1820 Vua Minh Mạng cho triệu cụ Phạm Đình Hổ và cụ Phan Huy Chú vào kinh đô Huế để đợi bổ nhiệm cho làm quan nhưng đúng lúc này Cụ Phạm Đình Hổ bị ốm bệnh nên không đi được. Năm 1821, Vua Minh Mạng ra Thăng long với mục đích để triêu mộ hiền tài, lúc này cụ Phạm Đình Hổ đã 53 tuổi. Trong buổi chầu yết kiến, Vua Minh Mạng cho quần thần mời cụ Hổ lại gần để tìm hiểu học vấn.. Cụ Hổ đã mang hết sách vở, tài liệu lưu giữ được và những hiểu biết để dâng hiến vua. Qua truy vấn việc học hành và ứng xử thông minh của cụ Hổ, Nhà vua thấy cụ là người tài giỏi hơn người, trên thông kinh văn - dưới tường địa lý" thực sự là bậc hiền tài nên người đã tiến cử Cụ vào Kinh đô Huế và phong cho chức quan “Hành Tẩu Viện Hàn Lâm". Năm 1826 tiếp tục phong cho làm Thừa chi viện Hàn Lâm", rồi phong cho làm Tế Tu Quốc Từ Giám" Huế (Hiệu trưởng trường Đại học thời nho học). Được biết Quốc Tử Giám thời ấy thực chất là Trường Đại học mở ra chỉ để dành riêng dậy dỗ cho con vua, chúa và con các quan lại quý tộc quyền quý trong triều. Những người giảng dạy ở trường này phải là những người đã đỗ Đại khoa. Vậy mà Phạm Đình Hổ, một thầy đồ chỉ đỗ Tú Tài mà thôi lại được cất nhắc làm “Tế Tửu Quốc Tử Giám",  đây là trường hợp hy hữu và duy nhất chỉ có một không hai trong lịch sử phong kiến nước nhà.

        Trong cuộc đời học hành và làm quan, Cụ Phạm Đình Hổ luôn coi nhẹ lối học thuộc lòng theo kiểu“tầm chương trích cú", bởi lẽ theo cụ điều đó dễ làm mất đi tính sáng tạo. Và có lẽ cũng do không chấp nhận kiểu làm bài theo lối giáo điều, thuộc lòng mà khi đi thi cụ Phạm Đình Hổ không đỗ đạt cao là vậy.  Đồng thời cũng từ quan niệm về học thuật như thế nên khi được làm Tế Tửu Quốc Tử Giám, Phạm Đình Hổ cũng không hứng thú với việc làm văn theo lối thuộc lòng. Chính vì điều này mà  những tư tưởng tiến bộ về cải cách giáo dục và khoa cử thời đó của Cụ Phạm Đình Hổ cũng chưa có điều kiện để phát triển.  Đến năm 1832 lúc đó cụ 64 tuổi, sức khỏe giảm sút, mặt khác vốn dĩ Cụ cũng là người không thích con đường quan trường nên một lần nữa Cụ xin được từ quan trí sỹ về quê vui sống điền viên viết sách và làm thơ, giao lưu với bạn bè cho vui với tuổi già. Năm 1839 sau một thời gian Cụ ốm và mất tại quê nhà Đan Loan, hưởng thọ 71 tuổi

        Cụ Phạm Đình Hổ đã để lại cho đời 18 trước tác viết bằng chữ Hán, nổi bật nhất là tác phẩm “Vũ Trung Tùy Bút"; đại diện cho mảng văn xuôi giàu tính hiện thực đã khắc họa khá đậm nét về chế độ thực dân phong kiến của nước ta thế kỷ 17 - 18. Ngoài ra còn cuốn “Kiền khôn nhất lãm" là một chuyên thư về địa lý Việt Nam, trong đó có mô phỏng toàn bộ bản đồ khu vực kinh thành Thăng Long và bản đồ của 13 phủ lỵ trong cả nước.

       Trong quá trình làm quan và sống tại quê nhà, Phạm Đình Hổ thường dành nhiều thời gian cho việc sáng tác và biên soạn sách. Cụ để lại cho đời sau nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn thơ có giá trị lớn. Ngoài hai tác phẩm tiêu biểu kể trên, Danh Nhân Văn Hóa Phạm Đình Hổ còn để lại những cuốn sách nổi bật khác, như về văn thơ có “Tang thương ngẫu lục" (viết chung với Cụ Nguyễn Án), Hay các cuốn“Đông dã học ngôn thi tập";  cuốn “Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả"; Viết theo dạng văn xuôi hiện nay vẫn được lưu giữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội. Về lịch sử, địa lý có “An Nam chí" & “Tiền lệ Nam Việt bản đồ mô bản"; Triết học có “Hy kinh trắc lãi"…Cụ đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị cả về lịch sử, xã hội, địa lý và triết học. Nhiều tài liệu và những tri thức mà Cụ đã để lại hiện đã và đang được đưa vào giáo trình giảng dạy trong các cấp học phổ thông nước nhà.    

       Đến nay, Con cháu hậu duệ và người dân làng Đan Loan vẫn tự hào về mảnh đất đã sinh ra các Tiến sỹ thời nho học và danh nhân văn hóa Phạm Đình Hổ, mặc dù cách đây đã ngót hai thế kỷ, nhưng những dấu tích của danh nhân văn hóa Phạm Đình Hổ vẫn được lưu lại khá đậm nét trên quê hương. Cho dù đã trải qua nhiều đời, Ông Phạm Đình Phúc con cháu đời thứ 5 của Cụ danh nhân vẫn tiếp tục kế thừa trên mảnh đất mà Cụ đã từng sống và cống hiến cho đời.“Trong khuôn viên nhà ông phạm Đình Phúc vẫn còn dấu tích Lầu bình thơ của cụ Hổ. Sau khi cụ mất, mộ của Cụ cũng được được lập cách nhà không xa"

          Lầu bình thơ hiện nằm trong khu đất cũ, cạnh một ao rộng nước trong veo. Ông Phạm Đình Phúc cho biết, trước đây lầu bình thơ của danh nhân Phạm Đình Hổ đã từng bị đổ lát do tác động của thời tiết cùng với biến cố của thời gian, sau đó đã được các cấp Chính quyền quan tâm cho trùng tu, phục dựng nên đến nay vẫn cơ bản giữ được hình dáng cũ. Lầu bình thơ được xây dựng có đế hình vuông, thoáng ba mặt để có thể trông ra ba hướng đông, tây và nam. Mặt chính quay ra hướng bắc. Mái lầu hình chóp, đao cong vút, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu. Được biết, sở dĩ có hình nậm rượu này là để tượng trưng cho chuyện trước đây là nơi danh nhân thường uống rượu, bình thơ với bạn bè. Phía trong lầu bình thơ xây một bệ thờ cao gần một mét, trên bệ đặt ba bát hương. Ngoài con đường nhỏ ra lầu, xung quanh là ao thả cá, tạo nên khung cảnh thơ mộng. Trước lầu bình thơ là một sân rộng, thuận tiện cho việc đi lại và thưởng ngoạn cảnh vật nơi đây

       Cách lầu bình thơ chừng nửa cây số là lăng mộ của danh nhân Phạm Đình Hổ. Đây thuộc khu đất gò cao có tên gọi là Mả Duồng. Mộ danh nhân nằm phía đông của nghĩa địa, trước được đắp bằng đất, sau được con cháu xây lại bằng gạch, trên mộ được gắn bia đá ghi dòng chữ Hán, được dịch là “Tế tửu Quốc tử giám Phạm Đình Hổ chi mộ, năm sinh 1768, năm mất 1839". Năm 1993 Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) lập bản vẽ thiết kế khu mộ này cho tương xứng với tầm vóc của danh nhân. Năm 2005, khu mộ chính thức được tôn tạo khang trang trên diện tích khoảng 16 m2, trên lăng mộ được đặt bia đá tựa đề “Lăng mộ danh nhân Phạm Đình Hổ".

        Để lưu được những dấu tích của danh nhân văn hóa Phạm Đình Hổ như hiện nay, ngoài việc gìn giữ của dòng tộc danh nhân, còn có sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Năm 1997 để những dấu tích trên được nâng lên tầm di tích, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương và Bảo tàng Hải Dương đã nghiên cứu tài liệu cùng những cứ liệu thực tế tại địa phương để lập “Lý lịch di tích danh nhân Phạm Đình Hổ". Ngoài việc đề cập rõ tình trạng lầu bình thơ và phần lăng mộ của danh nhân Phạm Đình Hổ tại thời điểm đó, lý lịch cũng nêu rõ những điểm căn bản nhất về cuộc đời và tác phẩm của danh nhân. “Sau khi lý lịch trên được lập, năm 1999, lầu bình thơ và mộ danh nhân Phạm Đình Hổ đã chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia".

        Có dịp đọc“Lý lịch di tích danh nhân Phạm Đình Hổ", chúng ta đã phần nào hiểu được vì sao từng đi làm quan ở nhiều nơi, nhưng Cụ Phạm Đình Hổ vẫn luôn gắn bó với quê hương. Theo gia phả của dòng tộc danh nhân, họ Phạm đến định cư ở làng Đan Loan tới đời cụ Phạm Đình Hổ là đời thứ 11. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, Phạm Đình Hổ từng học tại Quốc Tử Giám và thi đậu sinh đồ (tú tài). Nhưng thời thế bấy giờ không yên, suốt một thời gian dài cụ về quê và đi dạy học ở nhiều nơi, sau đó tiếp tục tham gia thi nhiều lần nhưng không đỗ cao hơn.

         Danh nhân Phạm Đình Hổ tuổi Tý, nhưng cốt cách của Cụ dường như gần hơn với linh vật hổ, ứng với tên của cụ. Danh nhân còn là một nhà văn hóa đa ngành, có thể ví như một “mãnh hổ" ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ để lại cho đời sau nhiều tác phẩm giá trị, trong đó cuốn “Vũ Trung Tùy Bút" hiện đã và đang được giảng dạy trong trường phổ thông. Việc đến nay chúng ta còn lưu lại được những di tích và những cống hiến của danh nhân Phạm Đình Hổ để qua đó góp phần hiểu biết thêm về tài năng và thân thế của Cụ là một điều thật đáng qúi và hết sức trân trọng.

 

​